[™ Forum Greensea ™][™ Teen Phan Rang ™]
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn

Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn

Bài gửi by Admin 23/1/2008, 9:59 pm

Trung sĩ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn đã bị cháu ruột Năm Cam giết hại. Ngay sau đó, "ông trùm" đã thông đồng cùng Nguyễn Mạnh Trung, phó phòng cảnh sát điều tra Công an TP HCM, làm sai lệch toàn bộ hồ sơ vụ án, bố trí lời khai cùng nhân chứng đưa người giả nhận tội thay thủ phạm.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

II. Vụ giết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng

Khoảng hơn 1h ngày 27/1/2000, tại quán Cấm Chỉ (số 4, đường Hải Triều, quận 1, TP HCM) xảy ra vụ đâm đánh nhau đông người, làm 2 người chết. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tiến hành giải phẫu tử thi và trưng cầu giám định pháp y kết luận:

- Phan Lê Sơn, sinh năm 1976, trung sĩ Phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM, ngụ tại 95/642 Nguyễn Kiệm, phường 3, Gò Vấp, TP HCM, vùng đầu có 9 vết thương rách da; toàn thân và tứ chi có 14 vết thương rách da, có những vết thương làm đứt xương sườn; thủng bao màng ngoài tim, thủng tâm thất phải tận cùng ở vách liên thất; làm thủng cơ hoành phải, thủng thùy phải của gan. Khoang ngực và ổ bụng có khoảng 2 lít máu cục và loãng. Nồng độ rượu trong máu là 1,4g/l.

Kết luận: Phan Lê Sơn chết do bị đâm thủng tim, gan, gây chảy máu nặng. Trong máu có rượu với nồng độ 1,4g/l.

- Hồ Phước Hưng, sinh năm 1976, ngụ tại 66/9 Quang Trung, phường 11, Gò Vấp, có 1 vết thương rách da ở thắt lưng trái và 1 vết thương ở hạ sườn trái làm thủng mạc nối lớn dạ dày, thủng mạc treo đại tràng ngang và thủng động mạch chủ bụng. Ổ bụng có khoảng 1 lít máu cục và loãng. Nồng độ rượu trong máu là 1,8g/l.

Kết luận: Hồ Phước Hưng chết do bị đâm thủng động mạch chủ bụng, gây chảy máu nặng. Trong máu có rượu với nồng độ 1,8g/l.

1. Kết quả điều tra vụ án của Công an TP HCM

Sau khi vụ án xảy ra, Công an thành phố đã tiến hành điều tra và đã có Kết luận điều tra số 36-25/KLĐT-PC16(Đ4) ngày 8/5/2001 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM. Kết quả điều tra và nội dung vụ án theo Kết luận điều tra nói trên tóm tắt như sau:

Khoảng hơn 1h ngày 27/1/2000, các tên Nguyễn Hữu Thịnh, Văn Công Tiến (Khắc Sinh), Từ Anh Kiệt (Út "Lùn"), Huỳnh Anh Tuấn (Hùng "Nhỏ"), Nguyễn Thị Kim Yến (bạn gái của Tiến) sau khi đã uống bia tại quán 136 Nguyễn Thái Học đi 4 xe máy đến quán cơm phở Hà Nội (quán Cấm Chỉ), số 4, đường Hải Triều để ăn khuya. Đến trước cửa quán, pha đèn xe Suzuky Sport của Kiệt chiếu thẳng vào bàn ăn của các anh Phan Lê Sơn, Hồ Phước Hưng cùng các bạn (tất cả gồm 9 người) cũng đang ngồi uống bia, ăn khuya tại quán. Sơn đứng lên gây gổ, chửi, đánh Kiệt và rút chìa khóa xe của Kiệt ném xuống đường. Thịnh lại can thiệp thì bị Sơn đá vào bụng. Sau đó mọi người can ngăn, Sơn về chỗ cũ ngồi.

Do bị Sơn đánh, Nguyễn Hữu Thịnh tức giận nên gọi điện thoại di động (ĐTDĐ) cho Bùi Anh Việt (Bảy Việt) đang ngồi nhậu cùng Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại Úy", cha của Thịnh), Phạm Văn Minh (Minh "bu"), Trương Tấn Phi, Trần Dương… ở quán 136 Nguyễn Thái Học. Thịnh nói với Bảy Việt rằng Thịnh đang bị đánh ở Phủ Kiệt (Hải Triều), nhờ Việt ra giúp (BL: V2-T1: số 629-632, 956). Sau khi nghe điện thoại của Thịnh, Bảy Việt nói lại cho Thọ biết, đồng thời rủ các tên Toàn, Dương, Phi, Tùng (là người trông xe ở quán 136 Nguyễn Thái Học) lấy xe máy chạy ra Hải Triều (BL: V2 T1: số 692, 698, 1020, 1022, 1045, 1075).

Khi đến đường Hải Triều thì không gặp Thịnh nên Bảy Việt tiếp tục chạy xe đi tìm, đến trước trụ sở Cục Hải Quan TP trên đường Hàm Nghi thì cả bọn gặp Tiến, Yến, Hùng, Kiệt, Tuấn. Bảy Việt gọi ĐTDĐ cho Thịnh hỏi Thịnh đang ở đâu, sau đó mở cốp xe Spacy lấy một con dao bấm đưa cho Tùng, đồng thời đưa cho các tên Toàn, Dương, Phi, mỗi tên một con dao nhọn và nói: “Bây giờ không cần biết tụi nó là ai, vào quất (đánh) luôn”. Bảy Việt gọi điện thoại cho Thịnh một lần nữa và biết Thịnh đang đứng chờ ở ngã 3 đường Hải Triều - Nguyễn Huệ và dẫn cả bọn chạy xe lại đường Hải Triều (BL: V2 T1: số 812, 961, 1022, 1046, 1093).

Đối với Nguyễn Hữu Thịnh, sau khi gọi điện báo cho Bảy Việt biết mình bị đánh, y chạy xe Spacy về quán 136 Nguyễn Thái Học vào bếp lấy một con dao nhọn giấu vào người. Khi đi ngang qua bàn nhậu của Thọ và Minh đang ngồi, Thọ hỏi khuya rồi còn đi đâu, sao không về nhà ngủ? Thịnh nói bị đánh ở đường Hải Triều, sau đó chạy xe ra quán Cấm Chỉ… (BL: V2 T1: số 648, 649).

Sau khi Thịnh đi được một lúc, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Văn Minh cũng biết việc Thịnh đi đến Hải Triều để đánh nhau nên Thọ lấy xe máy đi theo. Minh xuống bếp tìm hung khí thì được tên Nguyễn Hữu Chung (đầu bếp) đưa cho một con dao và ngồi sau xe máy do Nguyễn Hữu Chung điều khiển chạy theo Thọ ra Hải Triều. Nguyễn Hùng Cường là chủ quán 136 Nguyễn Thái Học (con rể Năm Cam) cũng đi xe máy chạy theo Thọ ra đường Hải Triều (BL: V2 T1: số 768, 769, 919, 927).

Khi nhóm của Bảy Việt gặp Thịnh ở ngã 3 đầu đường Hải Triều - Nguyễn Huệ thì Bảy Việt, Thịnh dẫn đầu cùng đồng bọn chạy xe đến trước cửa quán Cấm Chỉ, dừng lại và xuống xe, xông vào bao vây nơi Sơn và các bạn đang ngồi nhậu. Thịnh xông lại chỗ Sơn, rút dao giấu trong người đâm vào bụng Sơn. Sơn đứng lên, giơ tay đỡ được nhát dao của Thịnh và chạy vào phía trong nhà của quán Cấm Chỉ (BL: V2 T1: số 653, 654). Thịnh cùng đồng bọn dùng dao, vỏ chai bia đập vỡ, ly, chén tại bàn đâm, đánh túi bụi vào các bạn của Sơn làm họ chạy tán loạn, đồng thời bọn chúng hò hét, đuổi theo Sơn vào trong quán.

Cùng lúc với việc Sơn bị đuổi đánh chạy vào trong quán, anh Hồ Phước Hưng là bạn ngồi cùng bàn cũng bỏ chạy, nhưng bị vấp té xuống gốc cây trước cửa quán Cấm Chỉ thì bị tên Tùng đứng phía sau nắm tóc, kẹp cổ nâng lên, dùng dao bấm đâm liên tiếp 2 nhát vào bụng anh Hưng, anh Hưng bị đâm gục ngay tại chỗ (BL: V2 T1: số 875).

Trong lúc đâm, đánh hỗn loạn, các tên Nguyễn Văn Thọ, Trương Tấn Phi cũng bị đồng bọn đâm nhầm bị trọng thương (Thọ bị Tùng đâm thương ở sau lưng, Phi bị Thịnh đâm thương ở bụng).

Phan Lê Sơn bị đánh ở trong quán Cấm Chỉ bỏ chạy ra ngoài, chạy trên vỉa hè theo hướng đường Hàm Nghi, cách quán Cấm Chỉ khoảng 20 m thì bị các tên Bảy Việt, Nguyễn Hữu Chung chạy xe máy vượt lên trên chặn đường (BL: V2 T1: số 519, 875, 927, 1084, 1085, 1088). Tên Nguyễn Hùng Cường cầm dao chặn đầu (BL: V2 T1: số 874, 879, 1128, 1144) buộc Sơn phải quay trở lại chạy theo hướng Nguyễn Huệ. Đến trước cửa quán phở Lan thì bị vấp té và bị các tên Minh, Cường, Chung, Kiệt, Tiến, Dương, Thịnh xông vào dùng chai, cốc đập; dao đâm rất nhiều nhát vào đầu, bụng, ngực, lưng, đùi… anh Sơn (BL: V2 T1: số 874, 879, 1128, 1144).

Thấy có đánh nhau, anh Nguyễn Văn Đông là chiến sĩ đội cảnh sát hình sự Công an quận 1, ngụ tại quán phở Lan dùng súng bắn chỉ thiên nên cả bọn đang đánh anh Sơn bỏ chạy. Tên Dương bỏ quên chiếc xe máy Kawasaki Max II tại hiện trường. Theo lời khai của các bị can, sau khi gây án và trên đường bỏ chạy bọn chúng đều vứt dao tại hiện trường và trên dọc đường đi.

Cơ quan điều tra đã thu giữ tang vật là các phương tiện gồm:

1. 1 xe Suzuki Sport màu đỏ, biển số: 61F2-3663; SK: 406070, SM:106070 do Từ Anh Kiệt sử dụng.

2. 1 xe Honda Kawasaki, biển số: 51T3-7918; SM: AN 090 GEA 27262 do Trần Dương sử dụng bỏ lại hiện trường.

3. 1 xe Cagiva Speed, biển số: 51F3-5263; SK: 323-000704, SM: 323-000704 của nạn nhân Phan Lê Sơn sử dụng để lại hiện trường.

Sau khi hoàn thành cuộc điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã đề nghị VKSND TP HCM truy tố 11 bị can gồm Nguyễn Hữu Thịnh, Bùi Anh Việt (Bảy Việt), Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Hồ Thanh Tùng (Hai Lợi), Văn Công Tiến (Khắc Sinh), Nguyễn Hùng Cường (Cường Anh, con rể Trương Văn Cam), Từ Anh Kiệt (Út Lùn), Nguyễn Hữu Chung, Trương Tấn Phi, Trần Dương, Võ Song Toàn về tội giết người theo quy định tại điều 101 - BLHS năm 1985; đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Kim Yến tội che giấu tội phạm theo quy định tại điều 246 - BLHS năm 1985; Huỳnh Anh Tuấn (Hùng Nhỏ), tội không tố giác tội phạm theo quy định tại điều 247 - BLHS năm 1985; Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại Uý") tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 198 - BLHS năm 1985 (Điều 245 - BLHS năm 1999).

Căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM, VKSND TP HCM có Cáo trạng số 437/KSĐT-TA ngày 24/9/2001 truy tố các bị can nêu trên trước pháp luật theo đề nghị của Cơ quan điều tra.

Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng thì Nguyễn Hữu Thịnh và Bùi Anh Việt là những tên chủ mưu, lôi kéo, xúi giục đồng bọn tham gia thực hiện tội phạm, đồng thời là những kẻ tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Tên Phạm Văn Minh là tên thủ ác rất tích cực và hung hãn.

Ngày 1/2/2002, TAND TP HCM đã có Quyết định số 17/HS trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo những yêu cầu sau đây:

- Theo kết luận điều tra và cáo trạng thì 2 vết thương trên người Hồ Phước Hưng do Hồ Thanh Tùng đứng ở phía sau, tay trái kẹp cổ anh Hưng nhấc bổng lên, tay phải dùng con dao bấm hình cây viết cài túi áo có 2 lưỡi sắc đâm vào bụng và vào sườn trái anh Hưng. Riêng phát đâm vào bụng, khi đâm bị can còn rạch ngang mới rút dao ra. Trong khi đó tại bản giải thích hung khí gây nên thương tích của nạn nhân Hưng (giải thích theo yêu cầu của cơ quan điều tra), Tổ chức giám định pháp y - pháp y tâm thần TP HCM do bác sĩ Bùi Thanh Tuyền ký lại nêu thương tích trên người nạn nhân Hưng do 02 loại hung khí: Loại dao có 1 lưỡi sắc, loại dao có 2 lưỡi sắc (dao bấm) và kết luận là Hồ Phước Hưng bị đâm do loại dao bấm, thủ phạm đứng phía sau nạn nhân cũng có thể gây nên được thương tích trên. Đề nghị thực nghiệm điều tra để làm rõ.

+ Xác định vai trò của Bùi Anh Việt.

+ Làm rõ nguồn gốc hung khí...
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 136
Age : 34
Đến từ : TP Phan Rang Thap Cham _ Ninh Thuan
Registration date : 22/01/2008

http://teenphanrang.good.to

Về Đầu Trang Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty tiep theo

Bài gửi by Admin 23/1/2008, 10:05 pm

2.2 Trương Văn Cam và đồng bọn phạm tội che giấu tội phạm; tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Sau khi được Bùi Anh Việt cho biết việc đánh nhau ở Hải Triều và Thọ bị đâm bị thương đang cấp cứu ở bệnh viện Sài Gòn, Lê Thị Kim Anh nói với Bảy Việt lấy xe máy chở Kim Anh đến Trung tâm cấp cứu bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, Q1 để thăm Thọ. Tại đây, Bảy Việt, Kim Anh gặp Lê Thị Hồng Ngọc, thị Điệu (vợ Thọ) và một số đối tượng vừa gây án ở Hải Triều. Lê Thị Kim Anh và Lê Thị Hồng Ngọc hỏi thăm biết được Nguyễn Văn Thọ và Trương Tấn Phi bị thương do bị đồng bọn đâm nhầm trong lúc đánh nhau ở Hải Triều, nhìn thấy hai nạn nhân là Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng đã bị chết. Lê Thị Hồng Ngọc cho Trương Tấn Phi và Nguyễn Văn Thọ tiền để bồi dưỡng cho các y, bác sĩ ca trực để mổ cấp cứu cho Thọ và Phi. Sau đó Bảy Việt đưa Kim Anh lại quán Hoàng Hôn, Lê Thị Hồng Ngọc và các tên Võ Song Toàn, Trần Dương cũng từ Trung tâm cấp cứu Sài Gòn đi đến quán Hoàng Hôn gặp lại Bảy Việt và Kim Anh. Theo lời khai của Bảy Việt thì lúc này áo của y còn dính máu, nên Bảy Việt đã đi lên cầu thang lầu 1 thay áo, cũng có nhân chứng nhìn thấy tại thời điểm này Lê Thị Kim Anh gặp Bảy Việt và 2 đối tượng đi theo Bảy Việt, Kim Anh đã sai một người đi lên lầu để thay áo vì có dính máu…Lê Thị Hồng Ngọc khai đã cho Bảy Việt 2 triệu đồng để Bảy Việt lo cho Phi đang điều trị ở bệnh viện. Sau đó Bảy Việt nói với Toàn, Dương đi về và dặn nếu công an có hỏi thì khai không biết gì. Sau khi Toàn, Dương đi về, Bùi Anh Việt chở Kim Anh lại quán Tân Hải Vân ở 162 Nguyễn Trãi để ăn khuya. Tại đây Bảy Việt và Kim Anh gặp Dương Ngọc Hiệp. Hiệp hỏi Bảy Việt và Kim Anh sự việc xảy ra như thế nào, Bảy Việt có kể cho Hiệp nghe lại câu chuyện đã kể cho Kim Anh và Ngọc nghe lúc trước và nói với Hiệp là Bảy Việt không đâm ai, khi ra đến Hải Triều thì đang xảy ra đánh nhau, thấy Thọ bị đâm nên đưa Thọ đi cấp cứu. Sau khi ăn ở Tân Hải Vân, Bảy Việt đưa Kim Anh về nhà riêng của Kim Anh ở 115/42 Trần Đình Xu, P. Nguyễn Cư Trinh, Q1 và ngủ tại nhà Kim Anh đến sáng 27/1/2000.

Được tin cha con Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Văn Thọ cùng đồng bọn đánh nhau đâm chết 02 người ở đường Hải Triều, ngay trong đêm (rạng sáng 27.1.2000) Dương Ngọc Hiệp đã điện thoại cho cha vợ là Trương Văn Cam lúc này đang ở khách sạn Lasvegas, số 7 Lê Văn Hưu - Hà Nội, nhưng không gặp. Đến sáng 27/1/2000, Trương Văn Cam gọi điện lại cho Hiệp thì được Hiệp báo cho biết tối qua Thịnh cùng mấy đứa bạn đi ăn khuya đánh lộn làm chết 2 người, có cả Thọ bị thương đang nằm cấp cứu ở bệnh viện, Hiệp nhắn Trương Văn Cam phải về Sài Gòn gấp. Trương Văn Cam đã lấy vé máy bay vào Sài Gòn ngay buổi chiều ngày 27/1/2000. Trương Văn Cam gọi Dương Ngọc Hiệp đến hỏi để nắm lại tình hình vụ án, sai Lê Thị Điệu gọi điện kêu Thịnh đang bỏ trốn về thành phố để gặp Trương Văn Cam, sau đó Trương Văn Cam đến bệnh viện thăm Thọ để hỏi tình hình. Sau khi được nghe Hiệp "Phò Mã", Thịnh, Thọ kể lại Trương Văn Cam đã nắm được nội dung vụ án đại ý là: Thịnh cùng đám bạn đi ăn khuya ở Hải Triều, dọi pha đèn vào mặt Sơn (sau này Trương Văn Cam mới biết tên 2 nạn nhân) đang ngồi nhậu. Thịnh bị Sơn đánh, tức giận nên gọi điện thoại cho đám bạn của Thịnh và Bảy Việt kêu người ra đâm chết 2 người là anh Sơn và anh Hưng. Trương Văn Cam cũng hỏi Hiệp về tình hình của Bảy Việt thì được Hiệp cho biết Bảy Việt hiện giờ đang trốn ở nhà Kim Anh. Theo lời khai của Trương Văn Cam thì Thịnh nói với Trương Văn Cam là không trực tiếp đâm ai. Nhưng sau khi nắm được tình hình, Trương Văn Cam có nhận xét: Việc Thịnh bị đánh ở Hải Triều là chuyện nhỏ, nhưng Thọ là cha của Thịnh đáng lẽ khi biết Thịnh gọi điện về cho Bảy Việt kêu người ra quán đánh nhau thì Thọ phải can ngăn Bảy Việt và Thịnh, nhưng Thọ không những không can mà còn theo Thịnh ra Hải Triều để đánh nhau. Sự có mặt của Thọ ở Hải Triều là nguyên nhân chính để xảy ra việc Thịnh và đồng bọn gây ra vụ án, hậu quả là làm chết 2 người.

Theo lời khai của Dương ngọc Hiệp, vì lo sợ Nguyễn Văn Thọ bị bắt nên cha vợ y là Trương Văn Cam đã chỉ đạo Hiệp phải làm là gọi Nguyễn Hữu Thịnh về đầu thú, gặp gỡ những đối tượng tham gia gây án và những người có liên quan để bố trí lời khai nhằm che giấu hành vi của Thọ có mặt ở hiện trường và tham gia gây án…

Theo lời khai của các bị can như: Văn Công Tiến, Nguyễn Thị Kim Yến, Võ Song Toàn, Trương Tấn Phi, Trần Dương và một số người có liên quan như Lê Thị Hồng Ngọc… trước khi ra đầu thú, bị bắt hoặc lên làm việc với Cơ quan Công an các đối tượng này đều gặp Thọ và Hiệp trước và được Thọ hoặc Hiệp dặn phải khai báo là: Tối hôm đó (26 rạng ngày 27/1/2000) khi Thịnh bị đánh gọi điện về cho Bảy Việt đang ngồi ở quán 136 Nguyễn Thái Học kêu người ra Hải Triều để can thiệp, Bảy Việt không ra nhưng sai 5-7 người là bạn của Bảy Việt ra Hải Triều đánh nhau, chính những người này đã đâm chết các nạn nhân, Thịnh và các bạn của Thịnh không biết đám bạn của Bảy Việt là ai, còn việc Thọ "Đại Úy"có mặt ở hiện trường là do tình cờ, và bị đâm nhầm. Lê Thị Hồng Ngọc chủ quán Tân Hải Vân được Phòng CSHS - CA TP HCM mời lên làm việc, nhưng trước khi đi, thị Ngọc đã đến gặp Hiệp dặn phải khai với nội dung không đúng với sự thật là: “Tối 26/1/2000, ra quán 136 Nguyễn Thái Học ăn khuya, sai Thọ "đại úy" đi mua phở và chân gà ở Hải Triều… ngoài ra Ngọc không biết gì khác”. Nguyễn Văn Thọ khai đã nhờ Trương Tấn Phi mượn xe Kawasaki của Trần Dương chở ra Hải Triều để mua phở và chân gà cho bà Ngọc. Thọ và Phi ra đến Hải Triều thì đang xảy ra đánh nhau, Thọ, Phị bị đâm nhầm và được mọi người đi đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nên để quên chiếc xe máy của Dương lại hiện trường.

Trước khi đưa Nguyễn Hữu Thịnh ra đầu thú, bản thân Trương Văn Cam đã cùng Hiệp gặp Thịnh, Tiến, Yến tại nhà Hiệp ở 36 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, Q1 (tối 29/1/2000), gọi điện thoại cho anh Dương Minh Ngọc nguyên là Trưởng phòng CSHS - CA TP HCM để cho Thịnh ra đầu thú vào ngày 31/1/2000, chỉ đạo Bùi Anh Việt tiếp tục trốn tại nhà Lê Thị Kim Anh để nghe ngóng tình hình, sai người nhà đi đến từng gia đình nạn nhân để năn nỉ, xin lỗi, xin chịu tiền đám tang, bồi thường cho gia đình nạn nhân để xoa dịu sự công phẫn của họ… Khi biết Bùi Anh Việt có lệnh truy nã đã chỉ đạo Dương Ngọc Hiệp và Nguyễn Văn Thọ đến nhà Kim Anh để cùng bàn bạc, tổ chức cho Bùi Anh Việt trốn đi Campuchia (CPC) và tiếp theo là Canada hoặc đi Mỹ nhằm gây khó khăn cho cuộc điều tra. Trương Văn Cam đã chi cho Dương Ngọc Hiệp 20.000 USD để Hiệp tổ chức cho Bảy Việt đi trốn. Trong thời gian Bùi Anh Việt trốn tại nhà Kim Anh, Lê Thị Hồng Ngọc đã cho Bảy Việt 02 triệu đồng, khi biết tin Trương Văn Cam và Hiệp phò mã chuẩn bị tổ chức cho Bảy Việt trốn đi CPC thì Phan Thị Trúc vợ của Trương Văn Cam đã đến nhà Kim Anh cho Bảy Việt 100 USD.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trương Văn Cam về việc tổ chức cho Bảy Việt trốn đi CPC. Sau Tết Nguyên đán, Dương Ngọc Hiệp đến nhà Kim Anh để gặp Bảy Việt thuyết phục và bàn việc tổ chức cho Bảy Việt trốn sang CPC, có cả Kim Anh cùng tham gia. Bảy Việt chưa đồng ý, hẹn hôm sau mới trả lời dứt khoát. Trưa hôm sau (9/1 âm lịch), Hiệp, Thọ, Kim Anh đã gặp Bảy Việt để thuyết phục Bảy Việt đi trốn, Bảy Việt đồng ý với điều kiện nếu bị bắt thì gia đình Trương Văn Cam phải lo cho Bảy Việt chỉ bị xử 5-7 năm tù.

Dương Ngọc Hiệp đã bàn bạc và nhờ Tôn Vĩnh Đắc (Long "Đầu Đinh") bố trí xe ôtô. Nguyễn Tấn Lộc là anh em bà con với Long, cũng là người làm thuê, lái xe cho Long và Hiệp, lái xe đưa Bảy Việt đi CPC. Hiệp đã đưa cho Bảy Việt 1.000 USD trong số tiền Trương Văn Cam chi để Bảy Việt sử dụng làm tiền lộ phí trong thời gian đi trốn. Hiệp thuê tên Taing Peng Chheu (Tư Miên) người CPC, lấy vợ VN ở Sài Gòn là bạn buôn bán xe ôtô cùng với Long và Hiệp để Tư Miên dẫn đường đưa Bảy Việt sang CPC. Tối ngày 9/1/2000 (âm lịch), Bùi Anh Việt từ nhà Kim Anh đi taxi đến nhà Long ở 274/21B Nam Kỳ Khởi Nghĩa - F8 - Q3 gặp Nguyễn Tấn Lộc và Lộc đã lấy xe ôtô Toyota đeo biển số giả đưa Bảy Việt lòng vòng trong thành phố đến khoảng 3h ngày 10/1/2000 (âm lịch) mới đưa Bảy Việt đến khu vực chợ Phú Nhuận để đón Tư miên. Theo sự hướng dẫn của Tư miên, Lộc đã lái xe theo đường đi Long An đến cửa khẩu Mộc Hóa thì dừng lại. Tư Miên gọi điện cho một người tên Phát - người CPC - đến đón Bảy Việt sang CPC, còn Tư Miên và Lộc đi xe về TP HCM.

Theo lời khai của Hiệp phò mã đã đưa cho Tư miên 02 lần tiền tổng số là 14.000 USD, lần đầu đưa 4000 USD sau khi Tư miên đã đưa Bảy Việt sang CPC để Tư miên bố trí cho Bảy Việt ăn ở, sinh hoạt tại CPC. Lần 2 là 10.000 USD để Tư miên làm giấy tờ, hộ chiếu giả và đưa Bảy Việt sang Thái Lan và trốn đi Canada. Tuy nhiên theo lời khai của Tư miên, Hiệp chỉ đưa cho y 02 lần có 13.500 USD. Sau khi Tư miên nhờ người ở CPC làm hộ chiếu giả và đưa Bảy Việt sang Thái Lan để xuất cảnh sang Canada nên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan phát hiện Bảy Việt sử dụng hộ chiếu giả và bắt giữ Bảy Việt, Tư miên nhờ người quen bảo lãnh, xin cho Bảy Việt ra và đưa quay trở lại CPC.

Trong thời gian trốn ở CPC, Bảy Việt đã nhiều lần gọi điện thoại về Việt Nam cho Kim Anh để hỏi thăm tình hình. Cũng trong thời gian này, theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Dương Minh Ngọc (nguyên là Trưởng phòng CSHS) và Nguyễn Mạnh Trung (nguyên là Phó trưởng phòng CSĐT) đã gặp riêng Trương Văn Cam để thuyết phục Trương Văn Cam đưa Bảy Việt và các đối tượng khác ra đầu thú. Trương Văn Cam đã nói với Dương Ngọc Hiệp chỉ đạo Tư miên đưa Bảy Việt từ CPC về Việt Nam và ra đầu thú (ngày 17/3/2000). Trước khi Bảy Việt ra đầu thú, Trương Văn Cam đã đến gặp Bảy Việt và Hiệp ở 36 Nguyễn Hữu Cầu, Q1 để động viên và dặn Bảy Việt không được khai ra việc Hiệp, Thọ tổ chức cho Bảy Việt trốn đi CPC, nói với Bảy Việt “Chú Mạnh Trung, chú Dương Minh Ngọc đã hứa giúp đỡ rồi…”, “nếu có đi tù chỉ vài năm thôi…” (BL: V2 T2: 965).

Vì không đưa được Bảy Việt đi Canada nên Dương Ngọc Hiệp đòi lại tiền, Tư miên đã trả lại cho Hiệp 7.000 USD, Hiệp đã sử dụng số tiền này nhưng cũng không báo cho Trương Văn Cam biết.

Bùi Anh Việt khi mới ra tự thú đã khai báo theo sự xắp sếp của Trương Văn Cam và đồng bọn, nhưng sau đó thấy các đối tượng tham gia gây án khác bị bắt đều khai cho y là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong vụ án nên Bùi Anh Việt đã phản cung, khai ra việc Thọ "Đại Úy", Hiệp "Phò Mã" đến nhà Kim Anh để bàn bạc, tổ chức cho Bảy Việt trốn đi CPC. Cả Nguyễn Văn Thọ, Dương Ngọc Hiệp, Lê Thị Kim Anh, Tôn Vĩnh Đắc đều được Cơ quan điều tra, điều tra viên (ĐTV) Đặng Hải Tương, mời lên làm việc và tổ chức cho đối chất với Bảy Việt trong trại giam, các đối tượng nêu trên đều phủ nhận lời khai của Bảy Việt. Bùi Anh Việt lại thay đổi lời khai, y lại tự nhận do một mình trốn đi CPC, không có ai xúi giục và giúp đỡ. Nhưng đến khi được tống đạt Kết luận điều tra và Cáo trạng, Bảy Việt thấy vai trò của y trong vụ án là kẻ chủ mưu, cầm đầu có khả năng bị mức án cao nên đã viết đơn kêu oan, tiếp tục tố cáo Trương Văn Cam, Nguyễn Văn Thọ, Dương Ngọc Hiệp, Lê Thị Kim Anh, Tôn Vĩnh Đắc, Tiang Peng Chheu, Nguyễn Tấn Lộc đã tổ chức cho Bảy Việt trốn đi CPC, sau đó lại bố trí cho y về Việt Nam để đầu thú như đã nêu ở trên.

Với những tài liệu chứng cứ đã thu thập được đã đủ cơ sở kết luận các bị can: Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp, Lê Thị Kim Anh, Tôn Vĩnh Đắc, Tiang Peng Chheu, Nguyễn Tấn Lộc đã phạm các tội: “Che giấu tội phạm; Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”; Các bị can Lê Thị Hồng Ngọc, Phan Thị Trúc đã phạm tội: “Che giấu tội phạm”.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 136
Age : 34
Đến từ : TP Phan Rang Thap Cham _ Ninh Thuan
Registration date : 22/01/2008

http://teenphanrang.good.to

Về Đầu Trang Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty tiep theo

Bài gửi by Admin 23/1/2008, 10:07 pm

2.3 Hành vi bỏ lọt tội phạm của Nguyễn Mạnh Trung và Đặng Hải Tương

a. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Nguyễn Mạnh Trung, nguyên phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT- Công an TP HCM

Ngay từ khi chưa trực tiếp thụ lý vụ án này, nhưng qua nghiên cứu tài liệu, hồ sơ vụ án do Cơ quan CSĐT của Công an TP HCM đã thu thập cho thấy tên Thọ "Đại Úy" đã tham gia tấn công anh Sơn và bạn của anh Sơn ngay từ lúc đầu và với thái độ rất hung hãn, quyết liệt của kẻ cầm đầu. Chính sự tấn công ào ạt, đông đối tượng, bằng các hung khí nguy hiểm, do đó đã buộc anh Sơn và các bạn bè phải bỏ chạy, hầu như không có hành động nào tấn công lại. Như vậy không thể nói rằng Thọ không phạm tội giết người. Chính vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM thay đổi tội danh, khởi tố Thọ về tội giết người. Vai trò của Thọ "Đại Úy" rõ ràng là nghiêm trọng và rõ hơn một số tên khác không trực tiếp đâm anh Hưng và anh Sơn, nhưng vẫn bị khởi tố về tội giết người (với vai trò đồng phạm). Là một cán bộ có kiến thức pháp luật, Nguyễn Mạnh Trung phải biết rõ điều đó. Thậm chí, ngay về tội “Gây rối TTCC”, một tội danh có thể nói là quá ân huệ đối với Thọ "Đại Úy" thì mãi tới một năm sau (31/1/2001), Nguyễn Mạnh Trung mới ký quyết định khởi tố Nguyễn Văn Thọ về tội “Gây rối TTCC”, nhưng Thọ vẫn không bị bắt giam. Nếu Thọ phạm tội “Gây rối TTCC” thì hành vi của Thọ được quy định tại khoản 2 điều 245 BLHS (phạm tội trong trường hợp có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ 5 đến 7 năm tù giam), đủ cơ sở để bắt giam Nguyễn Văn Thọ để điều tra theo hướng tội “giết người”. Khi đủ cơ sở thì chuyển tội danh theo đúng sự chỉ đạo của Ban Giám đốc (ông Võ Văn Măng, nguyên là phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM, Trưởng Ban chuyên án đã chỉ đạo). Việc không bị bắt tạm giam dẫn đến hậu quả là ngay sau khi Trương Văn Cam bị bắt (tháng 12/2001), Nguyễn Văn Thọ đã bỏ trốn. Khi được yêu cầu giải thích về sự chậm trễ này, Nguyễn Mạnh Trung đã đưa ra các lý lẽ ngụy biện không thể chấp nhận được. Ngoài hành vi phạm tội của Thọ trong vụ án này, y còn là tay chân rất đắc lực của Trương Văn Cam, có vai trò rất quan trọng trong tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu. Hiện nay ngoài tội “giết người” đang bị truy nã, Nguyễn Văn Thọ đang bị Cơ quan điều tra khởi tố và truy nã về các tội “Tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc”, “đưa hối lộ”…, việc Thọ bỏ trốn đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Ngoài việc để lọt tội ác của Nguyễn Văn Thọ, trong quá trình điều tra, Bùi Anh Việt (Bảy Việt) đã khai về việc Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp, Thọ "Đại Úy" chỉ đạo Kim Anh, Tôn Vĩnh Đắc (Long "Đầu Đinh"), Tư miên… đưa Bảy Việt trốn sang Campuchia một thời gian, sau đó mới bố trí cho Bảy Việt trở về ra đầu thú…, Nguyễn Mạnh Trung có biết hành vi của các đối tượng nêu trên nhưng đã làm ngơ, không chỉ đạo điều tra viên xác minh làm rõ, dẫn đến việc bỏ lọt các hành vi phạm tội “Che giấu tội phạm; Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” của Trương Văn Cam và đồng bọn.

Căn cứ những tài liệu chứng cứ ban đầu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra quyết định khởi tố để điều tra đối với Nguyễn Mạnh Trung, nguyên là Phó Trưởng phòng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Đ.285 - BLHS), sau đó đã thay đổi sang tội “Che giấu tội phạm” theo quy định tại Điều 313 - BLHS. Tuy nhiên, đến nay, căn cứ những tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an có đủ cơ sở để kết luận và đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Trung từ tội “Che giấu tội phạm” sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Đ.281 - BLHS.

Cụ thể như sau:

- Trong nhiều cuộc họp chuyên án, Ban giám đốc, cụ thể là ông Võ Văn Măng (Út Măng) đã nhận định: Nguyễn Hữu Thịnh là tên cầm đầu, chủ mưu, và tích cực thực hiện tội phạm, Nguyễn Văn Thọ là bố đẻ của Nguyễn Hữu Thịnh nên Thọ cũng phải có vai chủ mưu và cầm đầu trong vụ án. Từ đó chỉ đạo các đơn vị và Cơ quan điều tra phải thu thập, củng cố chứng cứ để khởi tố và bắt Thọ "Đại Úy" về tội “Giết người” (BL: V2 T2: 447).

- Theo lời khai của một số nhân chứng và bị can (tài liệu do Công an TP HCM thu thập được trong giai đoạn đang điều tra) thì sau khi biết Thịnh bị đánh ở đường Hải Triều (Thịnh quay lại quán 136 Nguyễn Thái Học và báo cho Thọ biết) (BL: V2 T1: 649, 653, 676). Thọ đang ngồi nhậu với Phạm Văn Minh nên bảo với Minh “đi”, và lấy xe máy chạy đi trước (BL: V2 T1: 767 - 771). Minh hiểu là Thọ bảo ra Hải Triều để đánh nhau nên đã chạy vào bếp tìm hung khí và cùng Nguyễn Hữu Chung đầu bếp chạy xe theo Thọ ra Hải Triều, tên Nguyễn Hùng Cường (Cường anh - con rể Trương Văn Cam) chủ quán 136 Nguyễn Thái Học thấy vậy cũng ra theo. Cả bọn vừa có mặt ở quán Cấm Chỉ, số 4 đường Hải Triều thì xảy ra đánh nhau.

Cũng theo tài liệu do Công an TP HCM thu thập được trong giai đoạn đang điều tra, khi Nguyễn Hữu Thọ ra đến quán Cấm Chỉ thì xảy ra đánh nhau, Thọ xông vào cướp 2 vỏ chai bia đập vỡ, cầm hai tay làm hung khí, miệng hò hét chửi bới “Đ.m thằng nào đánh con tao? Đánh chết nó đi” và đuổi đánh anh Sơn chạy vào trong quán Cấm Chỉ, Thọ đến trước bậc tam cấp vào bên trong quán Cấm Chỉ thì bị tên Hồ Thanh Tùng đâm nhầm một nhát vào phía sau lưng, trên vùng bả vai trái. Thọ bị thương và sau đó được đồng bọn đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện. Theo lời khai của Trương Tấn Phi, khi nằm điều trị ở bệnh viện Sài Gòn, Thọ đã bàn với Phi cách khai báo khi công an hỏi phải khai là đi mua chân gà, thấy có đánh nhau vào can thì bị đâm nhầm.

- Với những tài liệu đã thu thập được ở trên, Nguyễn Mạnh Trung đều báo cáo với Ban giám đốc và Ban chuyên án là: Tài liệu chứng cứ thu thập được về Thọ đại úy còn yếu, chưa đủ cơ sở để khởi tố và bắt Nguyễn Văn Thọ về tội “Giết người”. Theo tường trình của ông Út Măng với Cơ quan điều tra, trong một cuộc họp chuyên án, khi nghe anh Mạnh Trung vẫn báo cáo chưa đủ cơ sở để khởi tố và bắt Thọ về tội “giết người”, ông Út Măng có nói: “không bắt được tội này (ý nói tội giết người), thì bắt tội khác”, Nguyễn Mạnh Trung liền nói “nếu bắt về tội gây rối TTCC, hình phạt nhẹ, Viện kiểm sát không phê”. Vì vậy, ông Võ Văn Măng mới chỉ đạo Cơ quan điều tra tập hợp tài liệu trao đổi thống nhất với VKSTP về việc xử lý Nguyễn Văn Thọ.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 136
Age : 34
Đến từ : TP Phan Rang Thap Cham _ Ninh Thuan
Registration date : 22/01/2008

http://teenphanrang.good.to

Về Đầu Trang Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty Re: Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn

Bài gửi by Admin 23/1/2008, 10:08 pm

- Ngày 7/8/2000, Cơ quan điều tra gồm có Nguyễn Mạnh Trung (Phó thủ trưởng), anh Lý Văn Ngộ (Đội trưởng Đội 4), Đặng Hải Tương (ĐTV) thụ lý hồ sơ đã họp với VKSND TP HCM gồm: ông Phạm Thanh Xuân (Trưởng phòng KSĐT - TA), bà Lê Thị Xuân Hoa (KSV) để nghe Cơ quan điều tra báo cáo kết quả điều tra vụ án, và bàn thống nhất xử lý một số đối tượng trong đó có Nguyễn Văn Thọ. Tại cuộc họp sau khi nghe Cơ quan điều tra báo cáo những tài liệu nêu trên về Thọ, ông Xuân đã có ý kiến: “Về hành vi giết người chứng cứ yếu, nhưng khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng thì đủ căn cứ, bắt đấu tranh theo hướng tội giết người để tìm chứng cứ chứng minh, nếu có chuyển tội danh giết người thì chắc chắn hơn. Cần tập hợp hồ sơ để VKS nghiên cứu, áp dụng biện pháp ngăn chặn cho phù hợp”. Tại cuộc họp này Nguyễn Mạnh Trung cũng đã có ý kiến “Cơ quan điều tra sẽ có văn bản gởi xin ý kiến Ban Giám đốc và có công văn gởi VKS để quyết định”(BL: 546, 547). Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp, mặc dù ĐTV (Đặng Hải Tương) đã có báo cáo đề xuất khởi tố và bắt Nguyễn Văn Thọ về tội “Gây rối TTCC” và dự thảo báo cáo gửi ông Võ Văn Măng với nội dung đã thống nhất trong cuộc họp với VKS. Không những vậy, anh Tương còn dự thảo cả các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Văn Thọ về tội “gây rối TTCC”. Nhưng Nguyễn Mạnh Trung đã không đồng ý khởi tố và bắt giam Thọ "Đại Úy", tự sửa lại dự thảo báo cáo của điều tra viên với nội dung sai với quan điểm của VKS, Nguyễn Mạnh Trung đã sửa lại báo cáo có nội dung: “… nếu khởi tố Thọ về tội “gây rối trật tự công cộng” thì không thuyết phục, cần thu thập tài liệu tiếp, khi đủ cơ sở khởi tố y về tội giết người thì có lợi hơn” (BL: 545). Vì không nắm được quan điểm của VKS nên ông Võ Văn Măng đã đồng ý với đề xuất của Cơ quan điều tra do Nguyễn Mạnh Trung ký (BL: 546).

Mặt khác theo ông Phạm Thanh Xuân, Trưởng Phòng KSĐT-TA Viện KSNDTP cho biết: Trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án, Viện Kiểm sát TP không hề được biết được chủ trương của Ban chuyên án chỉ đạo Cơ quan điều tra phải tập trung củng cố chứng cứ để khởi tố và bắt Thọ đại úy về tội “giết người”, Cơ quan điều tra không chủ động trao đổi tài liệu, chứng cứ về Thọ, chỉ đến khi Viện kiểm sát có công văn yêu cầu tập hợp tài liệu chứng cứ để xử lý Nguyễn Văn Thọ thì mới có cuộc họp nêu trên.

Mặc dù trong báo cáo số: 2799/CV-PC16-Đ4 ngày 12/8/2000 do Nguyễn Mạnh Trung ký gửi ông Võ Văn Măng có nêu: “… Tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ để khởi tố Thọ về tội “giết người” thì thuyết phục hơn…”, nhưng cho đến khi kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan điều tra cũng không có hoạt động nào để thu thập thêm tài liệu về Nguyễn Văn Thọ.

Như vậy, với những tài liệu có trong hồ sơ và những chứng cứ thu thập được đã thể hiện: Nguyễn Mạnh Trung biết rõ Thọ có dấu hiệu phạm tội “giết người”, đặc biệt nếu phạm tội “gây rối trật tự công cộng” ở khoản 2 điều 245 BLHS thì càng có cơ sở chắc chắn để bắt Thọ, tạo thuận lợi cho việc điều tra theo hướng tội “Giết người” thì thuận lợi hơn khi để Thọ ở ngoài xã hội. Nguyễn Mạnh Trung lại báo cáo không trung thực (ý kiến của VKS), thể hiện thái độ lập lờ, không muốn bắt Nguyễn Văn Thọ, đây rõ ràng đã cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cản trở quá trình điều tra, xử lý đối với tên Thọ. Trong khi đó tên Huỳnh Anh Tuấn chỉ phạm tội “Không tố giác tội phạm”, một tội danh nhẹ nhất trong vụ án này nhưng vẫn bị bắt tạm giam từ 30/5/2000 đến 20/10/2000 mới được tại ngoại. Thử hỏi, so với Thọ thì ai đáng bắt hơn?

Khi Bùi Anh Việt ra đầu thú và bị bắt, đã khai ra việc Hiệp phò mã, Thọ "Đại Úy" đã bàn bạc tại nhà với Kim Anh và chỉ đạo các tên Tư Miên, Long "đầu đinh"… đưa Bảy Việt trốn sang Campuchia một thời gian, sau đó mới bố trí cho Bảy Việt trở về ra đầu thú. Nguyễn Mạnh Trung biết rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan, nhưng đã cố tình không chỉ đạo điều tra viên xác minh triệt để và không xử lý các hành vi phạm tội này của Trương Văn Cam và đồng bọn, thể hiện tại cuộc họp ngày 13/2/2001, giữa Cơ quan điều tra với Phòng Kiểm sát trị an - VKSND TP HCM, Nguyễn Mạnh Trung đã phát biểu ý kiến: “Đối với Hiệp và một số tên khác có liên quan tới chỗ Bảy Việt trốn đi Campuchia thì cho cảnh cáo Hiệp vì chưa đến mức phải khởi tố” (BL: V2 T2: 597a).

Mặc dù Nguyễn Mạnh Trung không thừa nhận có mối quan hệ mật thiết với Trương Văn Cam và đồng bọn, nhưng với những tài liệu chứng cứ thu thập được khẳng định: Nguyễn Mạnh Trung và Trương Văn Cam có mối quan hệ từ những năm 1991-1992. Mối quan hệ này ngày càng mật thiết, Trương Văn Cam đã nhiều lần gặp gỡ, mời Nguyễn Mạnh Trung đi ăn nhậu, hát karaoke tại các nhà hàng như: Cánh Buồm, Ra Khơi, Thanh Vy, Quê Hương… Theo lời khai của Trương Văn Cam thì khoảng năm 1994, y đã đến nhà riêng của Nguyễn Mạnh Trung tại đường Võ Thị Sáu, Q1 để dự sinh nhật con trai Nguyễn Mạnh Trung (cháu Nguyễn Minh Nam sinh 1984). Ngược lại tháng 11/1998, Nguyễn Mạnh Trung đã đến viếng đám tang khi chị gái Trương Văn Cam là Trương Thị Sẫm (mẹ Thọ "Đại úy") chết tại nhà riêng ở 41 Lý Chính Thắng, Q3.

Trong quá trình điều tra vụ án, bị can Trương Văn Cam còn khai: quen biết Nguyễn Mạnh Trung từ những năm 1992, do Trương Văn Cam chủ động làm quen và đã nhiều lần đi nhậu cùng Nguyễn Mạnh Trung, cho Nguyễn Mạnh Trung tiền (tổng số khoảng 70 đến 80 triệu) vào những lần Trung đi công tác, mời khách đi ăn nhậu ở nhà hàng, gọi Trương Văn Cam đến trả tiền; Nguyễn Mạnh Trung biết Trương Văn Cam mở các sòng bài, mở nhà hàng… Mục đích của Trương Văn Cam quan hệ với Nguyễn Mạnh Trung là để Mạnh Trung làm ngơ hoặc nhờ giúp đỡ khi các hoạt động phạm pháp của y và đàn em bị phát hiện. Bị can Lê Thị Kim Anh khai có mối quan hệ trên mức tình cảm với Nguyễn Mạnh Trung. Ngoài ra các bị can khác như: Đinh Văn Được, Nguyễn Tuấn Hải (Nguyễn Tuấn Hải),…đều là đàn em thân cận của Trương Văn Cam khai về việc có nghe Trương Văn Cam kể lại việc cho anh Trung tiền, nhờ anh Trung can thiệp vào các vụ án do đàn em của Trương Văn Cam gây ra…Nguyễn Mạnh Trung không thừa nhận các lời khai nói trên, Cơ quan điều tra chưa có cơ sở kết luận một cách chắc chắn, đang tiếp tục điều tra để làm rõ để xử lý sau.

Như vậy, hành vi của Nguyễn Mạnh Trung đã phạm tội “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 281 của Bộ luật Hình sự.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 136
Age : 34
Đến từ : TP Phan Rang Thap Cham _ Ninh Thuan
Registration date : 22/01/2008

http://teenphanrang.good.to

Về Đầu Trang Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty Re: Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn

Bài gửi by Admin 23/1/2008, 10:08 pm

b. Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của Đặng Hải Tương

Trong quá trình điều tra, các bị can Bùi Anh Việt (Bảy Việt), Lê Thị Kim Anh, Dương Ngọc Hiệp đã khai báo về hành vi của Đặng Hải Tương - Điều tra viên thụ lý vụ án:

- Sau khi Bùi Anh Việt (Bảy Việt) ra đầu thú (17/3/2000), khai báo về vụ án theo sự sắp xếp ban đầu của Dương Ngọc Hiệp. Tuy nhiên khi thấy tất cả các bị can đã bị bắt đều khai báo theo hướng đổ tội cho y, Bảy Việt thấy thái độ làm việc của điều tra viên Tương không bình thường, thiếu khách quan, nhất là việc tổ chức đối chất giữa Bảy Việt và các bị can khác, tất cả đều khai cho Bảy Việt là người tổ chức, cầm đầu, phân phát dao cho đồng bọn, dẫn đầu đi đánh, chém chết 2 người… đều được điều tra viên Tương ghi nhận để buộc tội y.

- Khi Bảy Việt khai sự thật về việc Hiệp, Thọ đã bàn bạc tại nhà Kim Anh để tổ chức đưa Bảy Việt trốn sang Campuchia một thời gian, sau đó mới bố trí cho Bảy Việt trở về ra đầu thú… anh Tương đã tỏ thái độ bực tức, đe dọa Bảy Việt như: “Bảy Việt khai ra con cháu Trương Văn Cam thì hết thuốc chữa rồi, bây giờ làm gì có Bao Công, Bảy Việt ơi! Bây giờ đã họa lên bức tranh rồi, không xóa được đâu…” (BL: 681).

- Anh Tương đã tổ chức cho Bảy Việt đối chất với Kim Anh, Dương Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Thọ, Tôn Vĩnh Liêm về việc bàn bạc, tổ chức đưa Bảy Việt trốn sang CPC và đưa Bảy Việt về Việt Nam ra đầu thú. Khi cho đối chất, anh Tương đã bỏ ra ngoài để Kim Anh, Thọ, Hiệp có điều kiện gặp riêng Bảy Việt để năn nỉ, thuyết phục Bảy Việt không được khai báo đúng sự thật, hứa hẹn ở ngoài chạy tội cho y, sau đó anh Tương mới vào ghi biên bản theo nội dung đã được sắp đặt trước và Bảy Việt phản cung, nhận tự mình trốn đi CPC (tức là phủ nhận lời khai trước đó của y) (BL: 1068, 1085).

Đến khi Bùi Anh Việt nhận được Kết luận điều tra và Cáo trạng thấy mình bị buộc tội nặng, có khả năng bị chung thân hoặc tử hình (không đúng với lời hứa chạy tội của Thọ và Hiệp), Bảy Việt biết mình bị hãm hại nên đã làm đơn kêu oan, tố cáo gửi lên Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an xem xét, đồng thời khai rõ sự việc đối chất như đã nêu trên. Anh Tương là người dẫn giải Bảy Việt từ trại giam Chí Hòa lên trại tạm giam của Bộ Công an, trên đường đi anh Tương vẫn tiếp tục đe dọa Bảy Việt “mày đi đâu cũng phải chết thôi Bảy Việt ạ…” (BL: 713, 729, 757).

- Tên Tôn Vĩnh Đắc khai: Khi anh Tương gọi Long lên hỏi về việc đưa Bảy Việt đi CPC, anh Tương chỉ hỏi về Tôn Vĩnh Liêm (em ruột Long) có phải là người lái xe đưa Bảy Việt đi CPC hay không? Mặc dù Long đầu đinh đã khai không phải là Liêm, vì Liêm không biết lái xe (BL: 1165, 1142, 1167), mà là Nguyễn Tấn Lộc (em họ Long, người đã trực tiếp lái xe đưa Bảy Việt đi sang Campuchia) nhưng anh Tương không chấp nhận. Thực tế khi anh Tương gọi Liêm lên đối chất với Bảy Việt, thì Bảy Việt xác nhận không phải là Liêm đã lái xe (tức là đưa đối tượng không liên quan đến sự việc để có cớ xác định Bảy Việt khai sai).

Như vậy lời khai ban đầu của Bảy Việt về việc Hiệp, Thọ đã bàn bạc tại nhà Kim Anh và tổ chức đưa Bảy Việt trốn sang Campuchia một thời gian, sau đó mới bố trí cho Bảy Việt trở về ra đầu thú là chính xác. Nhưng điều tra viên Tương đã không tích cực đấu tranh, xác minh triệt để, nhất là tình tiết Bảy Việt khai tên Liêm lái xe, đến khi hỏi tên Long "Đầu Đinh", gặp Tôn Vĩnh Liêm, cho Bảy Việt đối chất và nhận dạng xác định không phải Liêm là lái xe. Anh Tương đã không tiến hành xác minh tiếp để làm rõ ai là người lái xe theo mô tả của Bảy Việt (thời điểm này tên Long không khai tên Lộc là lái xe như lời khai của Long hiện nay).
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 136
Age : 34
Đến từ : TP Phan Rang Thap Cham _ Ninh Thuan
Registration date : 22/01/2008

http://teenphanrang.good.to

Về Đầu Trang Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty Re: Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn

Bài gửi by Admin 23/1/2008, 10:09 pm

Việc tổ chức đối chất giữa Bảy Việt với các đối tượng: Thọ "Đại Úy", Hiệp "Phò Mã", Kim Anh… mặc dù có kế hoạch đề xuất đã được lãnh đạo duyệt, trong kế hoạch đề ra phải có 2-3 điều tra viên tham gia, mời kiểm soát viên tham gia chứng kiến, nhưng anh Tương đã không thực hiện đúng kế hoạch. Trong các biên bản đối chất ghi ngày 21/11/2000, giữa Bảy Việt với Kim Anh, Hiệp, Thọ tại Nhà tạm giữ của PA24 - Công an TP HCM ở số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh có ghi tên và chữ ký của 2 điều tra viên là Đặng Hải Tương và Lê Anh Tuấn (BL: 568). Nhưng xác minh trên thực tế (sổ ghi tình hình ca gác, sổ ghi tình hình xuất - nhập bị can, sổ theo dõi tình hình của đội quản giáo trong các khu giam, giữ) xác định trong ngày 21/11/2000, tại Nhà tạm giữ của PA24-CATP HCM ở số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh chỉ có một mình anh Đặng Hải Tương đến đăng ký làm việc với bị can Bùi Anh Việt và triệu tập người lên làm việc là Nguyễn Văn Thọ, Lê Thị Kim Anh (buổi sáng), Dương Ngọc Hiệp (buổi chiều) (BL: 518, 519, 520 đến 530). Điều tra viên Lê Anh Tuấn khai với Cơ quan điều tra: Trên thực tế có một số lần anh Tuấn bận, anh Tương tổ chức đối chất một mình, nhưng vẫn ghi tên anh Tuấn, sau đó đưa đưa biên bản lại cho anh Tuấn ký để hợp thức, vì trong kế hoạch đối chất đã ghi ít nhất phải có 2 điều tra viên. Anh Tuấn xác định trong các cuộc đối chất với Bảy Việt ngày 21/11/2000 anh Tuấn không có mặt, sau đó Đặng Hải Tương đưa lại các biên bản đó anh Tuấn đã ký tên mà không xem lại nội dung (BL số 491, 499). Chị Nguyễn Thị Lợi là cán bộ trực tiếp dân của PA24 CATP cũng xác nhận ngày 21/11/2000 chỉ có anh Tương triệu tập 3 đối tượng nói trên lên làm việc (BL: 516). Như vậy, việc Bảy Việt, Hiệp, Kim Anh khai anh Tương bỏ ra ngoài khi đối chất là có cơ sở, việc làm này đã có tác động đến Bảy Việt phải khai lại có lợi cho Thọ, Hiệp và Kim Anh thoát tội. Đến khi Bảy Việt nhận được Kết luận điều tra và Cáo trạng thấy mình bị buộc tội nặng nên mới phản cung lần thứ 2 là có cơ sở. Đến nay, Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội “Che giấu tội phạm; Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” của Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp, Lê Thị Kim Anh… trong việc tổ chức cho Bảy Việt trốn đi CPC đúng như nội dung khai báo ban đầu của Bảy Việt.

Như vậy, trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên Đặng Hải Tương có ý thức loại các đối tượng: Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Thọ, Lê Thị Kim Anh… nên đã có hành vi tổ chức đối chất, tạo các lời khai không đúng sự thật, có lợi cho bọn tội phạm, dẫn đến việc bỏ lọt các đối tượng phạm tội “Che giấu tội phạm; Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” như đã nêu trên.

Mặc dù không thừa nhận sai phạm của mình, nhưng hành vi của Tương thể hiện dấu hiệu của tội “Làm sai lệch hồ sơ” quy định tại điều 300 - BLHS, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt, tạm giam trong thời hạn 4 tháng kể từ 7/8/2002, để điều tra, xử lý.

Đây là vụ án cùng một lúc giết chết 2 mạng người với tính chất rất côn đồ, hung hãn và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một trong hai nạn nhân của vụ án là chiến sĩ cảnh sát hình sự, lý do chỉ vì mâu thuẫn, xung đột nhất thời với các đối tượng là những tên là con cháu, đàn em của tên trùm tội phạm Trương Văn Cam. Với bản chất là những tên lưu manh, côn đồ hung hãn, bọn chúng đã tổ chức lực lượng, thực hiện hành vi giết người rất dã man, trắng trợn, nơi đông người. Đây là vụ án giết người có tổ chức, có đông đối tượng, sử dụng hung khí nguy hiểm, hành động rất tàn bạo, quyết tâm giết người đến cùng. Vụ án có nhiều tình tiết hết sức phức tạp. Công tác bảo vệ, khám nghiệm hiện trường ngay từ khi vụ án mới xảy ra đã có những sai lầm nghiêm trọng, không được thực hiện, dẫn đến công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài, một số nội dung của vụ án không thể khắc phục được như không thu thập được dấu vết ở hiện trường, không thu giữ được hung khí, tang vật vụ án, không phát hiện kịp thời các nhân chứng có mặt ở hiện trường và động viên họ khai báo… Ngay từ khi mới xảy ra vụ án đã có sự chỉ đạo, đối phó của Trương Văn Cam đối với hoạt động điều tra. Nhiều bị can, nhân chứng và đối tượng liên quan đã bị Trương Văn Cam và đồng bọn khống chế hoặc bị ảnh hưởng của Trương Văn Cam và bọn đàn em mà không dám khai báo hoặc khai báo không trung thực, theo sự xắp sếp của bọn tội phạm. Trong quá trình điều tra, đã có một số cán bộ trong cơ quan điều tra tiếp tay, dung túng cho bọn tội phạm dẫn đến việc bỏ lọt những tên tội phạm nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong vụ án này còn có tên Nguyễn Văn Thọ: đáng lẽ khi biết con mình là Nguyễn Hữu Thịnh chuẩn bị đi đánh nhau, Nguyễn Văn Thọ phải can ngăn. Nhưng ngược lại, với bản chất là tên côn đồ, hung hãn, lại là con cháu, một trong những tay chân thân cận của Trương Văn Cam nên Nguyễn Văn Thọ đã lôi kéo, xúi giục đồng bọn tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Bản thân Thọ cũng tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Sau vụ án, Nguyễn Văn Thọ lại là tên tích cực dàn xếp, khống chế đồng bọn không được khai báo sự thật, bàn bạc, tổ chức cho đồng bọn đi trốn, để đối phó với Cơ quan điều tra.

Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được đã có trong hồ sơ, có đủ cơ sở để kết luận Nguyễn Văn Thọ đã phạm tội giết người theo quy định tại điều 93 - BLHS năm 1999, với vai trò là tên cầm đầu, xúi giục đồng bọn phạm tội. Ngoài ra Nguyễn Văn Thọ còn bị Cơ quan điều tra của Công na TP HCM và Bộ Công an khởi tố về các tội: tổ chức đánh bạc, đưa hối lộ… Tuy nhiên, sau khi Trương Văn Cam bị bắt, Nguyễn Văn Thọ đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ đề nghị xử lý sau.

Trong quá trình điều tra, bị can Trương Văn Cam còn khai: ngay sau khi nhận được tin do Hiệp "phò mã" báo, Trương Văn Cam đang ở Hà Nội đã bay về TP.HCM và đã biết được do Thọ đại úy và Thịnh gây ra vụ án. Trương Văn Cam bàn với Hiệp và Thọ để bố trí cho Thịnh ra đầu thú trước, sau đó gặp anh Nguyễn Văn Nam (Nam "Đen") là cán bộ điều tra, dưới quyền anh Trung để thông qua anh Nam đen hỏi xin ý kiến anh Trung về việc đưa Bảy Việt ra đầu thú, sau đó Trương Văn Cam gặp lại anh Nam và được nghe anh Nam nói lại ý kiến của anh Trung là cho Bảy Việt trốn đi một thời gian. Ngoài ra Trương Văn Cam còn khai báo trong quá trình quan hệ với Nam, Trương Văn Cam đã nhiều lần mời anh Nam đi nhậu ở nhà hàng, cho anh Nam tiền tổng cộng khoảng 2.000.000 đồng và 100 USD. Qua xác minh được biết anh Nguyễn Văn Nam cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an thành phố, nhưng không phải là điều tra viên được phân công tham gia vụ án, anh Nam khai có quen biết Trương Văn Cam và thỉnh thoảng có uống cà phê với Trương Văn Cam vào thứ bảy hoặc chủ nhật khi 2 người đi chơi, gặp nhau ở quán cafe góc đường Lý Tự Trọng - Trương Định, Q1. Anh Nam không thừa nhận có quan hệ làm ăn, nhờ vả gì trong công việc đối với Trương Văn Cam và ngược lại, không có việc Trương Văn Cam nhờ hỏi Mạnh Trung như nội dung ở trên. Nguyễn Mạnh Trung cũng không thừa nhận việc này. Đây chỉ là lời khai của Trương Văn Cam, chưa có cơ sở để xác minh, kết luận. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất xử lý sau.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 136
Age : 34
Đến từ : TP Phan Rang Thap Cham _ Ninh Thuan
Registration date : 22/01/2008

http://teenphanrang.good.to

Về Đầu Trang Go down

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn Empty Re: Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết